30.7.23 – Ác mộng hay là sự nhắc nhở?

Lâu rồi không viết gì ha. À bài này sẽ hơi ghê rợn, ai đang trong tâm trạng không thoải mái thì đừng đọc ha.

.

Dạo này mình hay nhớ giấc ngủ mơ. Ở góc độ nào đó, chúng là ác mộng. Vì ví dụ như giấc mơ gần nhất, thấy rất nhiều gà chết, nhiều con lộ cả xương, hình như là có cả xương chó nữa. Người trong giấc mơ la mình sao không dọn dẹp. Một lần khác cách cũng khoảng 1-2 tuần, mơ thấy có quái vật biến hình dạng rắn (cái này thực sự không nhớ rõ, nhưng trong note giấc mơ của mình ghi lại) giết rất nhiều người. Một giấc mơ “dã man” khác mình ấn tượng tới giờ, là một giấc mơ liên quan tới phù thủy và cũng giết chóc máu me tùm lum đó. Còn nhẹ nhàng hơn, cũng trong ngày mơ thấy gà chết nói trên, mình ngủ lại và mơ thấy cái gì đó mà giờ mình không nhớ rõ, nhưng ngủ dậy cảm thấy buồn vô hạn và có gì đó mất mát.

Có một điều là trong các giấc mơ đó, mình không hề sợ hãi, không có kiểu bật dậy người lạnh toát, hay muốn trốn chạy, v.v. Nó xảy ra, và mình ở đó, chỉ vậy. Gọi là ác mộng, vì nó liên quan tới những thứ nếu chứng kiến thật ở ngoài đời, không biết mình sẽ đối mặt như thế nào. Thường sau khi tỉnh dậy thì mình biết mình đã thấy nhưng thứ “không sạch sẽ”, và chỉ có thế.

Cái chết, từ thân nó đã bao hàm nhiều tầng nghĩa. Trong tâm lý, có vẻ như là sự thương tiếc hoặc stress là cái gần gũi nhất để lý giải. Có thể vì mình không thực sự cảm thấy stress và đau buồn vì điều gì (giờ mình cũng không thể hiểu nổi là có gì stress và đau buồn đâu, mọi thứ vẫn đang trong khả năng tự kiểm soát), nhưng vô thức của mình nó như thế, và nó thể hiện qua những giấc mơ.

Hôm nay thực sư mình muốn có thời gian 1 mình, suy nghĩ về nhiều thứ nhưng thực sự không thể yên tĩnh được. Ok, c’est la vie.

Nhân một ngày lười

Cách đây 1-2 hôm mình được giới thiệu cuốn “Tự thú” của Lev Tolstoy.

Có nhiều suy nghĩ khi đọc cuốn sách này. Bỏ qua việc cuốn “tự thú” đúng là tự thú. Lev Tolstoy không ngần ngại cho người ta thấy những mặt tối trong suy nghĩ của ông về cuộc sống, về cả ý định tự sát và cảm giác bi quan về cuộc đời, vì dường như cuộc đời là vô nghĩa, cho đến đoạn gần cuối của sách, mình mới cảm giác sự bi quan đó tuy vẫn còn nhưng đã được thay thế bằng cảm giác hy vọng và an toàn hơn. Hôm qua mình đã nghĩ, rằng thì mà là, đúng là việc suy ngẫm về cuộc sống có ý nghĩa hay không, sẽ ưu ái hơn cho người ít phải lo cái ăn cái mặc hơn. Dường như người đi kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày sẽ có nhiều thứ để lo cho cuộc sống trước mắt hơn. Mình sẽ giả định rằng, như lời của một bạn gen Z cùng công ty nói rằng “ôi phải lo kiếm tiền trước, rồi mới nghĩ tới những thứ khác được”. Người lo chạy ăn hàng ngày, sẽ phải lo việc duy trì cuộc sống trước. Tất nhiên mình sẽ không phủ định việc kiếm sống hàng ngày đôi khi sẽ làm cho họ cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, nghĩ tới câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống là gì, sao sống phải khổ sở như thế này”, và cũng sẽ thấy việc sống là một thứ gì đó mệt mỏi, đau khổ, và đôi khi là vô nghĩa. Nhưng thời gian để nghĩ như vậy chắc không nhiều, vì việc duy trì cuộc sống có khi đã chiếm gần hết thời gian của họ rồi.

Quay lại với Tolstoy, dù sống một cuộc sống đầy đủ vật chất, và cả danh vọng – ông nổi tiếng, nhiều tiền, khỏe mạnh, vợ con đầy đủ và có vẻ như gia đình cũng yên ấm, thì ông vẫn cảm thấy nó vô nghĩa. Ông đã có mọi thứ và cảm thấy nó không mang lại điều gì cả. Nghe quen không? Ông cũng đề cập tới Thái tử Siddhartha cũng cảm thấy vô nghĩa như vậy, nên mới rời bỏ mọi thứ để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Giờ ai mà từng đọc Triết học hiện sinh chắc cũng sẽ thấy điều gì đó quen quen với các vị này. Đều cảm thấy mình phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống, và có thể nhiều người, cảm thấy nó chẳng là cái gì cả. Vô nghĩa, vô vị.

Mình không nhớ rõ từng đọc ở đâu, hình như trong cuốn Homo Sapien của Yuval Noah Harari thì phải, có đề cập qua rằng ngày trước con người sống theo ý thức tập thể, cá nhân là tập thể, sự phát triển của tập thể quan trọng hơn cá nhân. Còn giờ thì dường như mỗi người sẽ tách ra, tự tìm sự phát triển cho cá nhân, cho “cái tôi” của mình. Có thể vì vậy mà con người trở nên chơi vơi hơn, vì họ phải tìm ra câu trả lời “mình là ai, mình muốn gì, mình sống để làm gì”. Một cách tự nhiên, mình nghĩ tới ý chí tự do, “free will”. Nó có vẻ hay ho đấy, và việc con người có ý chí tự do hay không thì các triết gia hay những người thích tranh luận cũng vẫn đang bàn cãi. Nhưng chẳng phải là đôi khi để con người có sự lựa chọn, chúng ta (đang nói về nhiều người, không phải tất cả mọi người) lại cảm thấy hơi chơi vơi và không biết phải làm gì. Còn khi bị bắt buộc, chúng ta (những kẻ được nếm mùi “tự do” ít ra là đôi ba lần, hoặc đã được dạy về nó) lại cảm thấy cực kỳ khó chịu và bó buộc, nhưng chà, ít nhất chúng ta có lối đi. Như ngày xưa đó, sự phát triển của từng cá nhân để cho sự phát triển của cộng đồng và như vậy thì đỡ đi được công đoạn đấu tranh tư tưởng là mình thực sự phải làm gì, hay là ai.

Tâm trí của chúng là một thứ thú vị, thực sự thú vị. Đôi khi việc đúng hay sai nó cũng không hoàn toàn có một ý nghĩa gì cả. Một ngày ta đắm chìm trong nó, ai nói gì cũng không nhìn ra thứ gì khác. Rồi bỗng nhiên, một ngày nọ, dường như không ai nói gì thêm nữa, giống như tự té tự dậy, ta bỗng thấy ta đã ngủ mê biết bao lâu, còn điều khác, thứ khác. Rồi mọi thứ cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Vài ngày trước, trong lúc đọc về thuyết đa vũ trụ và các điểm tuyệt đối bất biến – à cái này là do từ một câu hỏi trong “Maybe you never watch this movie” về viêc Nobita sống trên hoang đảo 10 năm, được Doremon đưa trở về và biến nhỏ lại, đưa vào cỗ máy thời gian để sống bù cho 10 năm ở hoang đảo đó, chứ không phải vì từ phim “Everything everywhere gì đó at once” của Dương Tử Quỳnh mới đoạt Oscar, mình thấy một điểm thú vị. Chẳng qua là trước đây mình cũng nghĩ nhiều tới việc giả sử thế giới song song có tồn tại, việc có một Vịt khác đang sống ở một thế giới khác, thì rõ ràng Vịt khác đâu phải là “mình”, dù nó là “phiên bản của mình” nhưng rõ là 2 Vịt khác nhau. Dẫu là tính cách hay ngoại hình có giống y chang chăng nữa, tại mỗi thời điểm có sự lựa chọn khác thì nó đã là một Vịt khác rồi. Và vậy nên Vịt nào thì Vịt, mỗi Vịt là thể độc nhất không thể thay thế. À quay lại vụ từ Nobita và điểm bất biến. Kiểu như nghịch lý ông nội ông ngoại gì đó, tại những điểm quan trọng thì chúng ta sẽ không thể thay đổi được. Ví dụ như dù thế nào thì Vịt vẫn được sinh ra là một điểm bất biến. Kiểu như ở một vũ trụ nào đó, Vịt bị chết yểu, nhưng rõ ràng việc Vịt được sinh ra sẽ không thay đổi. Ủa mà liên quan gì? Chẳng liên quan gì cả, chỉ là đôi khi lựa chọn khác nhau dẫn đến kết quả cho một số thứ khác nhau, nhưng tổng thể thì nó không thay đổi ở những điểm quan trọng. Cho nên, free will hay không free will, nó cũng chỉ là một thứ free will trong giới hạn.

Sau khi đã lan man tùm lum thứ, giờ là giờ tự thú. Một lần nữa, giờ làm việc được trưng dụng để làm việc riêng. Tính viết thêm mấy dòng tự bào chữa, nhưng như một người bạn của mình nói “lỗi là lỗi, kết quả là kết quả, no excuse”. Được rồi, mình sẽ không bào chữa. Nên là dừng bài viết này ở đây thôi.

“Little things” hay là chuyện dưới 100 chữ (1)

  1. Lấy xe ra, theo thói quen, de xe lui, hơi vướng, hơi loay hoay. Chú giữ xe đi tới. “Làm gì tội vậy con, sao không tiến về phía trước mà lại đi lùi vậy. Chắc trước giờ quen lùi ha, làm gì cũng phải nghĩ tới tiến chứ.” Lúc này mới nhìn đường “tiến”, thoáng thiệt luôn, lấy xe cái rẹt.
  2. Làm bài sai 1 phần, tiết kiệm, loay hoay cả 10 phút tháo ghim, đóng lại. Cuối cùng từ bỏ, mang ra tiệm, cái rẹt. 5 phút.
  3. Trời nóng. Xe nóng. Người nóng. Mà đi đường, ngước nhìn trời. Ánh sáng, ta nói nó lung linh gì đâu. Mây, mặt trời và tia nắng trời ơi đẹp. Cầm lòng không đặng, dừng xe, chụp cái hình. Tính ra chạy giữa trưa nắng, 2 tiếng, chỉ để sửa lỗi 1 phần cực nhỏ in sai đóng lại và nộp lại, nhờ vậy mà có đứa mới lết ra đường và thấy trời đẹp vậy. Tốt thì không tốt, nhưng tệ chỗ nào?

10/5/22

Hôm nay mình buồn

.

.

.

.

.

ngủ.

Mà thực ra hầu như ngày nào mình cũng buồn

.

.

.

.

.

ngủ.

Bài viết nhảm tới đây là hết, cảm ơn quý vị đã mất vài giây tới vài phút đọc mấy chữ nhảm này.

Đó là một buổi sáng ướt đẫm sương. Sương ướt đầy cành cây ngọn cỏ, giăng đầy trên tơ nhện, cứ ngỡ như mưa vừa qua.

Đó là một buổi sáng, mắt nhắm mắt mở tìm đồng hồ xem có trễ giờ đi làm hay không, đầu ong ong và vẫn choáng váng vì đã uống quá nhiều đêm hôm trước.

Đó là một buổi sáng, nhìn lên bầu trời, xuyên qua kẽ lá, nắng lấp ló khiến màu xanh của lá bừng lên một vẻ đẹp vừa yên bình vừa rực rỡ.

Đó là một buổi sáng, chạy xe chầm chậm đầu nghĩ miên man đủ thứ chuyện trên đời, vui hay không vui, những chuyện đã trải qua, chưa trải đến.

Đó là một ngày, nghe câu chuyện đau lòng của người khác, bất giác mình cũng đau lòng mà cười phá lên.

Đó là một ngày, trên chuyến tàu nhìn ngắm cảnh vật chạy qua, tự nhiên lại xúc động muốn khóc.

Đó là một ngày, rồi thêm một ngày. Rồi lại một ngày.

Biết sao không, làm người ấy, dẫu đau khổ hay sung sướng – thực ra từ “suffer” dùng trong câu tiếng Anh mà người ta gán là Đức Phật dạy ấy “life is suffering”, nó không phải là đau khổ, nó có thể là sung sướng nữa – cái quan trọng là, cảm nhận được tất cả những thứ ấy. Hạnh phúc, mất mát, đau buồn, vui vẻ, tất cả các cảm xúc, tất cả mọi chuyện xảy ra, thực sự nó làm cho con người tầm thường nhưng cũng trở nên phi thường. Nó thú vị lắm, thực sự là thú vị.

01.03.2022

Bài này của Aki, nhưng bản phối trong phim do các bạn học sinh hát mình thích hơn. Bên dưới là bản mình thích hơn.

Thực ra bài này ban đầu mình nghe vì Youtube đề xuất từ list 1 đống nhạc Nhật mà mình hay nghe, mà cũng lâu rồi, không phải gần đây. Bản các bạn học sinh hát thì được đề xuất mới hơn, bản đầu tiên mình nghe là của Aki (nhưng không phải bản mình đưa link ở trên). Mãi đến hôm kia mình mới tìm xem bài này nói gì, hóa ra là một lá thư. Bản nhạc này lời mình cảm thấy đồng cảm, nên là share. Còn nhạc thì hay hay không hay, tùy người nghe.

Sáng nay test nhanh lại, cuối cùng sau 10 ngày, đã âm tính. Mình là người cuối cùng âm tính trong nhà, dù là bị đầu tiên. Dẫu vậy, ảnh hưởng của nó lên mình nhẹ hơn mẹ khá nhiều. Nghĩ cũng tội mà thôi cũng kệ (vì cũng chẳng có cách nào khác, chuyện xảy ra thì nó xảy ra thôi), mẹ thực ra không khỏe, giờ đến thuốc điều hòa nhịp tim cũng không dám uống vì sau khi âm tính xong, nó cũng làm nhịp tim mẹ giảm thất thường và hay có cơn mệt lả bất thường. Oxy của mẹ vẫn nằm trong mức cần đề phòng, lên xuống 94-96. Nói chung là hỏi mình có thấy “tội lỗi” chút nào không khi lây bệnh thì thực tình không, vì như mình nói, mình cũng không cố ý, với cả sống chung thì vậy. Có điều từ giờ sẽ cẩn thận hơn, 5k khi đi làm đi học, chứ không chủ quan như trước nữa.

Mình cũng nghĩ nhiều thứ trong thời gian nhìn ba bức tường và cái cửa ra vào lắm, nhưng mà mình không thể viết ra được, nó luôn bị kẹt đâu đó.

Dạo này xem 25 21. Có một điều trong phim gợi lại chuyện cũ, là chuyện chat và kể cho người quen không biết mặt. Thời Yahoo Messenger. Mình vẫn cảm thấy, việc nói chuyện và cảm nhận khi không gặp nhau nó thú vị hơn rất nhiều so với việc gặp một ai đó thực tế để nói. Hình như khi đọc người ta diễn giải nhiều hơn theo cảm nhận của mình, và việc chạm tới tâm hồn một ai đó dễ dàng hơn nhiều so với khi gặp nhau, nhìn mặt nhau và biết nhau là ai. Tất nhiên, nếu người đó đủ duyên để gặp thật và vẫn còn đủ khả năng để trở thành bạn thật thì cũng hay, nhưng mình vẫn thích “gặp” trong cảm nhận câu từ và nói chuyện khi không thấy mặt và không “biết” nhau ở ngoài. Hơi buồn cười nhỉ. Có lẽ đó là lý do tôi rất kén để có bồ, haha. Nói vậy chứ, ở một góc độ khác, khi “hiểu” nhau trước khi “biết” ở ngoài người ta như thế nào, có khi lại giúp thân nhau hơn.

Hôm nay nhảm vậy đủ rồi, đã khỏe tức là có thể làm mọi thứ bình thường.

Life is a journey of experiences.

19/02/22

Voilà, ngày quay trúng xổ số đã tới.

Sáng dậy thấy ngứa họng quá chừng, tính lên công ty mới test, nhưng tặc lưỡi thôi test trước. Cảm giác không sai. Chúc mừng bợn.

Nghĩ thì tội cho hai, à không, một thôi, thân già – không phải là mình, tất nhiên. U70 chăm U40. Xương cốt nhức mỏi, đi phải cà nhắc hoặc hơi hơi lết lết, và đi rất chậm, phải lết lên lầu đưa đồ ăn thức uống cho đứa vẫn còn tuổi thanh niên. Chưa kể U70 bệnh nền tà la. Thấy cũng có lỗi, mà biết sao giờ. Quay trúng ai thì trúng thôi.

Báo lên phường theo yêu cầu của người cao tuổi, số không liên lạc được, chuyện bình thường. Sau một hồi mò mẫm mình cũng liên hệ được, và có cái hướng dẫn gọn lẹ.

Cách ly người bệnh ở riêng 1 phòng, ăn uống sinh hoạt riêng biệt với gia đình – Cách ly tại nhà 7 ngày kể từ ngày test dương tính – Mang khẩu trang thường xuyên trừ lúc ăn uống – Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc – Đo thân nhiệt hằng ngày – Theo dõi sức khoẻ : có sốt (>37,5 độ) thì dùng thuốc hạ sốt, 4-6 tiếng uống lại nếu vẫn còn sốt. Khi có triệu chứng nặng như đau tức ngực, khó thở kèm sốt nhiều ngày ko giảm thì báo bên y tế để xuống kiểm tra, có thể làm hồ sơ chuyển viện luôn – Gọi ngay “115” hoặc đường dây nóng của Trạm Y tế “03xxx, 028.xxx, 0375xxx” khi có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, tím tái, li bì, SpO2<90% để được cấp cứu kịp thời. – Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe: tập thể dục nhẹ nhàng 15p mỗi ngày, tập hít thở thật sâu mỗi ngày 2 lần mỗi lần 15 phút vào buổi sáng và buổi chiều, uống nhiều nước ấm, bổ sung vitamin C như cam, chanh,… súc miệng bằng nước muối hằng ngày, ăn uống điều độ, đầy đủ dinh dưỡng. – Vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch Javel, mở rộng cửa sổ, thông thoáng nhà cửa. – Những người còn lại trong gia đình cũng bảo đảm bổ sung chất như trên, hạn chế ra ngoài đường khi ko cần thiết.

Tks, vậy bên mình có xuống thăm test f1 cao tuổi bệnh nền không, do cao tuổi và có bệnh nền nên mình cũng sợ?

Mình sợ lây người nhà thì đi dã chiến nhé?

Ô bingo! Bạn đã chạm vào điểm yếu của tớ. Thôi ở nhà 1-2 hôm trước coi sao. Tệ quá sẽ đi.

Buổi trưa nó mệt. Trời ạ nó mệt, nằm không yên dù muốn nằm. Sốt nhẹ nên cũng thấy lạnh nữa, dù SG mấy bữa nay trưa nóng bỏ xừ.

Nhưng mà cũng hay, lê lết được 1 tiếng thì cũng thấy đỡ, nên chui lên đây than thở, ahihi. Đo thử Oxy, hic, người cao tuổi Oxy có 97 còn mình được 98-99 lận. Nhưng mà ai bít đâu ngày mai, thôi cứ thế nào tạm thời biết thế, chỉ hy vọng người cao tuổi không sao.

Còn 3-4 bài luận đang chờ, deadline 7 ngày nữa, kể ra ốm cũng có cái hay, nhưng mà đừng hành như lúc nãy thì đỡ hơn, ahihi. Mà tuần sau đi học offline môn quan trọng, vậy là tèo rồi…

Oh Mi Dicembrio!

Tháng 12, ngày thứ hai mở đầu bằng một tin khi vừa bước chân vào văn phòng. A bị covid rồi, đã về nhà. Sau đó ít phút, sếp B cũng báo tin từ nhà là mình dương tính.

Bảo cả văn phòng náo loạn thì sai lè. Mọi người có vẻ cũng bình thản, nhưng đúng là với mình thì mình cũng không tập trung được việc lắm, dù việc hôm nay cũng chỉ hoàn toàn là do mình chủ động sắp xếp, mình làm gì chắc cũng không ai thực sự biết ngoài mình.

Đến 10 giờ thì văn phòng sẽ khử khuẩn nên mọi người (chắc toàn f1 thôi), đi về hoặc ra quán cà phê làm việc.

Chiều nay có lên lại văn phòng không thì cũng chưa biết. Chắc có quá.

Thực ra chuyện f0, f1 với mình nó không lo bằng một nỗi lo sợ khác, nhưng nó cũng không rõ ràng, chỉ là mơ hồ treo trên đầu. Một cái bóng lờ mờ, và ngày qua ngày, nó dường như đậm hơn chút ít, nhưng nó vẫn tạm thời là một cái bóng.

Có nhiều người, cái bóng sẽ làm họ mất ăn mất ngủ hoặc lo lắng. Hoặc nghĩ về nó quá nhiều. Mình thì không như vậy, thật lòng là không như vậy. Vốn dĩ nó có biến thành bầu trời giông bão sấm sét thật thì khi nó đến thì nó đến thôi. Còn không thì cũng sẽ tự tiêu tan. Tất nhiên, việc có một cái bóng treo lơ lửng sẽ khiến người ta khi nhớ đến sẽ có ít nhiều khó chịu chứ cũng không hoàn toàn dửng dưng được.

Nó giống kiểu thời tiết mấy bữa nay vậy.

Vốn là trời nóng, nhưng thực sự lại không nóng, nhưng nó cũng là nóng. Có điều cái không khí này nó khiến người ta vừa dễ chịu vừa khó chịu. Cảm giác có gì đó trộn lẫn vào nhau trong không khí. Cảm giác của những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12 mà đa số năm nào cũng sẽ có. Không khí này, kỳ cục một cách… vừa đáng yêu vừa đáng ghét. Nó làm cho người ta (là mình) thấy “nostalgia”, cảm giác mà nhiều người bảo là “nhớ nhà”, nhưng thực sự thì mình đã “ở nhà” rồi. Nhưng vẫn mơ hồ thấy có gì đó thiếu thiếu, nhưng cũng không thiếu, vì nó đã ở đó (đang thì không chắc), một gì đó cũ cũ. Một căn phòng vừa đủ ấm và ẩm, mùi các loại thảo mộc trộn lẫn vào nhau. Cũng không biết có giống cảm giác của Vũ Đình Liên khi viết Ông đồ hay không nữa.

Vậy mà so sánh nó với cái bóng, kể cũng tức cười, nhưng cũng có, có cái gì đấy giống giống…

Giấc mơ đêm qua

Đêm qua, trong khi ngủ mơ đang đi trekking lên núi ở một chỗ nào đấy, tự nhiên mình có ý nghĩ là “mình đang mơ đấy, dậy là quên đấy, mau mau nhớ đặc điểm gì để dậy không quên đi”. Thế là, mình quyết định nhớ cái máy ảnh – nhưng không nhớ của mình hay của ai đấy trong mơ. Hiệu Leica nhé, máy đen viền bạc nhé, chống thấm nước đàng hoàng. Lúc đấy còn bật cười, lên rừng mua cái máy có thể đi lặn biển cơ.

Rồi, sáng dậy đúng là quên tuốt luốt còn nhớ đúng cái máy ảnh. Leica là một hãng gần như mình sẽ không nghĩ đến bao giờ khi mua máy ảnh, vì Nikon và Canon vốn là 2 thương hiệu phổ biến ở VN hơn, mà cũng rẻ hơn. Ngoài ra mình ngưng mê máy ảnh cũng lâu rồi, một phần vì mấy đồ đó mắc, mà mình giờ cũng ít đi đâu, cũng ít chụp hình nữa, chắc cũng phải 4-5 năm là ít. Đồ waterproof thì càng hiếm nữa, mà mình cũng không có nhu cầu nên đâu tìm hiểu bao giờ.

Sáng dậy, việc đầu tiên thực sự là vô mạng kiếm con Leica như trong mơ. Nó giống y con này:

The Leica M6 Classic & Leica M6 TTL - 35mmc
(hình lấy trên trang 35mmc.com)

Nhưng con này không chống thấm 😀 . Tìm thêm chút thấy dòng chống thấm có con này

(hình trên google photo, không rõ trang nào)

Mình biết mình ít có rảnh lắm chỉ vì một giấc mơ mà mò kiếm cái máy ảnh. Cơ mà thú vị, vì con Leica khá giống trong mơ. Chẳng hiểu sao mà cái tên hãng này với hình dạng và tính năng nó lọt được vô giấc mơ nữa. Ngày release con chống thấm ở trên là năm 2016, lúc đó mình không nghĩ là mình có nhu cầu mua máy ảnh, mà lúc đó là lúc mình mới bán con Nikon 2nd hand của mình cho chị đồng nghiệp cũ, từ bỏ sự nghiệp chụp choẹt.

Câu chuyện nhảm nhí xàm xí tới đây là hết.