Cách đây 1-2 hôm mình được giới thiệu cuốn “Tự thú” của Lev Tolstoy.
Có nhiều suy nghĩ khi đọc cuốn sách này. Bỏ qua việc cuốn “tự thú” đúng là tự thú. Lev Tolstoy không ngần ngại cho người ta thấy những mặt tối trong suy nghĩ của ông về cuộc sống, về cả ý định tự sát và cảm giác bi quan về cuộc đời, vì dường như cuộc đời là vô nghĩa, cho đến đoạn gần cuối của sách, mình mới cảm giác sự bi quan đó tuy vẫn còn nhưng đã được thay thế bằng cảm giác hy vọng và an toàn hơn. Hôm qua mình đã nghĩ, rằng thì mà là, đúng là việc suy ngẫm về cuộc sống có ý nghĩa hay không, sẽ ưu ái hơn cho người ít phải lo cái ăn cái mặc hơn. Dường như người đi kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày sẽ có nhiều thứ để lo cho cuộc sống trước mắt hơn. Mình sẽ giả định rằng, như lời của một bạn gen Z cùng công ty nói rằng “ôi phải lo kiếm tiền trước, rồi mới nghĩ tới những thứ khác được”. Người lo chạy ăn hàng ngày, sẽ phải lo việc duy trì cuộc sống trước. Tất nhiên mình sẽ không phủ định việc kiếm sống hàng ngày đôi khi sẽ làm cho họ cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, nghĩ tới câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống là gì, sao sống phải khổ sở như thế này”, và cũng sẽ thấy việc sống là một thứ gì đó mệt mỏi, đau khổ, và đôi khi là vô nghĩa. Nhưng thời gian để nghĩ như vậy chắc không nhiều, vì việc duy trì cuộc sống có khi đã chiếm gần hết thời gian của họ rồi.
Quay lại với Tolstoy, dù sống một cuộc sống đầy đủ vật chất, và cả danh vọng – ông nổi tiếng, nhiều tiền, khỏe mạnh, vợ con đầy đủ và có vẻ như gia đình cũng yên ấm, thì ông vẫn cảm thấy nó vô nghĩa. Ông đã có mọi thứ và cảm thấy nó không mang lại điều gì cả. Nghe quen không? Ông cũng đề cập tới Thái tử Siddhartha cũng cảm thấy vô nghĩa như vậy, nên mới rời bỏ mọi thứ để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Giờ ai mà từng đọc Triết học hiện sinh chắc cũng sẽ thấy điều gì đó quen quen với các vị này. Đều cảm thấy mình phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống, và có thể nhiều người, cảm thấy nó chẳng là cái gì cả. Vô nghĩa, vô vị.
Mình không nhớ rõ từng đọc ở đâu, hình như trong cuốn Homo Sapien của Yuval Noah Harari thì phải, có đề cập qua rằng ngày trước con người sống theo ý thức tập thể, cá nhân là tập thể, sự phát triển của tập thể quan trọng hơn cá nhân. Còn giờ thì dường như mỗi người sẽ tách ra, tự tìm sự phát triển cho cá nhân, cho “cái tôi” của mình. Có thể vì vậy mà con người trở nên chơi vơi hơn, vì họ phải tìm ra câu trả lời “mình là ai, mình muốn gì, mình sống để làm gì”. Một cách tự nhiên, mình nghĩ tới ý chí tự do, “free will”. Nó có vẻ hay ho đấy, và việc con người có ý chí tự do hay không thì các triết gia hay những người thích tranh luận cũng vẫn đang bàn cãi. Nhưng chẳng phải là đôi khi để con người có sự lựa chọn, chúng ta (đang nói về nhiều người, không phải tất cả mọi người) lại cảm thấy hơi chơi vơi và không biết phải làm gì. Còn khi bị bắt buộc, chúng ta (những kẻ được nếm mùi “tự do” ít ra là đôi ba lần, hoặc đã được dạy về nó) lại cảm thấy cực kỳ khó chịu và bó buộc, nhưng chà, ít nhất chúng ta có lối đi. Như ngày xưa đó, sự phát triển của từng cá nhân để cho sự phát triển của cộng đồng và như vậy thì đỡ đi được công đoạn đấu tranh tư tưởng là mình thực sự phải làm gì, hay là ai.
Tâm trí của chúng là một thứ thú vị, thực sự thú vị. Đôi khi việc đúng hay sai nó cũng không hoàn toàn có một ý nghĩa gì cả. Một ngày ta đắm chìm trong nó, ai nói gì cũng không nhìn ra thứ gì khác. Rồi bỗng nhiên, một ngày nọ, dường như không ai nói gì thêm nữa, giống như tự té tự dậy, ta bỗng thấy ta đã ngủ mê biết bao lâu, còn điều khác, thứ khác. Rồi mọi thứ cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Vài ngày trước, trong lúc đọc về thuyết đa vũ trụ và các điểm tuyệt đối bất biến – à cái này là do từ một câu hỏi trong “Maybe you never watch this movie” về viêc Nobita sống trên hoang đảo 10 năm, được Doremon đưa trở về và biến nhỏ lại, đưa vào cỗ máy thời gian để sống bù cho 10 năm ở hoang đảo đó, chứ không phải vì từ phim “Everything everywhere gì đó at once” của Dương Tử Quỳnh mới đoạt Oscar, mình thấy một điểm thú vị. Chẳng qua là trước đây mình cũng nghĩ nhiều tới việc giả sử thế giới song song có tồn tại, việc có một Vịt khác đang sống ở một thế giới khác, thì rõ ràng Vịt khác đâu phải là “mình”, dù nó là “phiên bản của mình” nhưng rõ là 2 Vịt khác nhau. Dẫu là tính cách hay ngoại hình có giống y chang chăng nữa, tại mỗi thời điểm có sự lựa chọn khác thì nó đã là một Vịt khác rồi. Và vậy nên Vịt nào thì Vịt, mỗi Vịt là thể độc nhất không thể thay thế. À quay lại vụ từ Nobita và điểm bất biến. Kiểu như nghịch lý ông nội ông ngoại gì đó, tại những điểm quan trọng thì chúng ta sẽ không thể thay đổi được. Ví dụ như dù thế nào thì Vịt vẫn được sinh ra là một điểm bất biến. Kiểu như ở một vũ trụ nào đó, Vịt bị chết yểu, nhưng rõ ràng việc Vịt được sinh ra sẽ không thay đổi. Ủa mà liên quan gì? Chẳng liên quan gì cả, chỉ là đôi khi lựa chọn khác nhau dẫn đến kết quả cho một số thứ khác nhau, nhưng tổng thể thì nó không thay đổi ở những điểm quan trọng. Cho nên, free will hay không free will, nó cũng chỉ là một thứ free will trong giới hạn.
Sau khi đã lan man tùm lum thứ, giờ là giờ tự thú. Một lần nữa, giờ làm việc được trưng dụng để làm việc riêng. Tính viết thêm mấy dòng tự bào chữa, nhưng như một người bạn của mình nói “lỗi là lỗi, kết quả là kết quả, no excuse”. Được rồi, mình sẽ không bào chữa. Nên là dừng bài viết này ở đây thôi.