Nhân một ngày lười

Cách đây 1-2 hôm mình được giới thiệu cuốn “Tự thú” của Lev Tolstoy.

Có nhiều suy nghĩ khi đọc cuốn sách này. Bỏ qua việc cuốn “tự thú” đúng là tự thú. Lev Tolstoy không ngần ngại cho người ta thấy những mặt tối trong suy nghĩ của ông về cuộc sống, về cả ý định tự sát và cảm giác bi quan về cuộc đời, vì dường như cuộc đời là vô nghĩa, cho đến đoạn gần cuối của sách, mình mới cảm giác sự bi quan đó tuy vẫn còn nhưng đã được thay thế bằng cảm giác hy vọng và an toàn hơn. Hôm qua mình đã nghĩ, rằng thì mà là, đúng là việc suy ngẫm về cuộc sống có ý nghĩa hay không, sẽ ưu ái hơn cho người ít phải lo cái ăn cái mặc hơn. Dường như người đi kiếm cái ăn cái mặc hàng ngày sẽ có nhiều thứ để lo cho cuộc sống trước mắt hơn. Mình sẽ giả định rằng, như lời của một bạn gen Z cùng công ty nói rằng “ôi phải lo kiếm tiền trước, rồi mới nghĩ tới những thứ khác được”. Người lo chạy ăn hàng ngày, sẽ phải lo việc duy trì cuộc sống trước. Tất nhiên mình sẽ không phủ định việc kiếm sống hàng ngày đôi khi sẽ làm cho họ cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, nghĩ tới câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống là gì, sao sống phải khổ sở như thế này”, và cũng sẽ thấy việc sống là một thứ gì đó mệt mỏi, đau khổ, và đôi khi là vô nghĩa. Nhưng thời gian để nghĩ như vậy chắc không nhiều, vì việc duy trì cuộc sống có khi đã chiếm gần hết thời gian của họ rồi.

Quay lại với Tolstoy, dù sống một cuộc sống đầy đủ vật chất, và cả danh vọng – ông nổi tiếng, nhiều tiền, khỏe mạnh, vợ con đầy đủ và có vẻ như gia đình cũng yên ấm, thì ông vẫn cảm thấy nó vô nghĩa. Ông đã có mọi thứ và cảm thấy nó không mang lại điều gì cả. Nghe quen không? Ông cũng đề cập tới Thái tử Siddhartha cũng cảm thấy vô nghĩa như vậy, nên mới rời bỏ mọi thứ để tìm ý nghĩa của cuộc sống. Giờ ai mà từng đọc Triết học hiện sinh chắc cũng sẽ thấy điều gì đó quen quen với các vị này. Đều cảm thấy mình phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống, và có thể nhiều người, cảm thấy nó chẳng là cái gì cả. Vô nghĩa, vô vị.

Mình không nhớ rõ từng đọc ở đâu, hình như trong cuốn Homo Sapien của Yuval Noah Harari thì phải, có đề cập qua rằng ngày trước con người sống theo ý thức tập thể, cá nhân là tập thể, sự phát triển của tập thể quan trọng hơn cá nhân. Còn giờ thì dường như mỗi người sẽ tách ra, tự tìm sự phát triển cho cá nhân, cho “cái tôi” của mình. Có thể vì vậy mà con người trở nên chơi vơi hơn, vì họ phải tìm ra câu trả lời “mình là ai, mình muốn gì, mình sống để làm gì”. Một cách tự nhiên, mình nghĩ tới ý chí tự do, “free will”. Nó có vẻ hay ho đấy, và việc con người có ý chí tự do hay không thì các triết gia hay những người thích tranh luận cũng vẫn đang bàn cãi. Nhưng chẳng phải là đôi khi để con người có sự lựa chọn, chúng ta (đang nói về nhiều người, không phải tất cả mọi người) lại cảm thấy hơi chơi vơi và không biết phải làm gì. Còn khi bị bắt buộc, chúng ta (những kẻ được nếm mùi “tự do” ít ra là đôi ba lần, hoặc đã được dạy về nó) lại cảm thấy cực kỳ khó chịu và bó buộc, nhưng chà, ít nhất chúng ta có lối đi. Như ngày xưa đó, sự phát triển của từng cá nhân để cho sự phát triển của cộng đồng và như vậy thì đỡ đi được công đoạn đấu tranh tư tưởng là mình thực sự phải làm gì, hay là ai.

Tâm trí của chúng là một thứ thú vị, thực sự thú vị. Đôi khi việc đúng hay sai nó cũng không hoàn toàn có một ý nghĩa gì cả. Một ngày ta đắm chìm trong nó, ai nói gì cũng không nhìn ra thứ gì khác. Rồi bỗng nhiên, một ngày nọ, dường như không ai nói gì thêm nữa, giống như tự té tự dậy, ta bỗng thấy ta đã ngủ mê biết bao lâu, còn điều khác, thứ khác. Rồi mọi thứ cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Vài ngày trước, trong lúc đọc về thuyết đa vũ trụ và các điểm tuyệt đối bất biến – à cái này là do từ một câu hỏi trong “Maybe you never watch this movie” về viêc Nobita sống trên hoang đảo 10 năm, được Doremon đưa trở về và biến nhỏ lại, đưa vào cỗ máy thời gian để sống bù cho 10 năm ở hoang đảo đó, chứ không phải vì từ phim “Everything everywhere gì đó at once” của Dương Tử Quỳnh mới đoạt Oscar, mình thấy một điểm thú vị. Chẳng qua là trước đây mình cũng nghĩ nhiều tới việc giả sử thế giới song song có tồn tại, việc có một Vịt khác đang sống ở một thế giới khác, thì rõ ràng Vịt khác đâu phải là “mình”, dù nó là “phiên bản của mình” nhưng rõ là 2 Vịt khác nhau. Dẫu là tính cách hay ngoại hình có giống y chang chăng nữa, tại mỗi thời điểm có sự lựa chọn khác thì nó đã là một Vịt khác rồi. Và vậy nên Vịt nào thì Vịt, mỗi Vịt là thể độc nhất không thể thay thế. À quay lại vụ từ Nobita và điểm bất biến. Kiểu như nghịch lý ông nội ông ngoại gì đó, tại những điểm quan trọng thì chúng ta sẽ không thể thay đổi được. Ví dụ như dù thế nào thì Vịt vẫn được sinh ra là một điểm bất biến. Kiểu như ở một vũ trụ nào đó, Vịt bị chết yểu, nhưng rõ ràng việc Vịt được sinh ra sẽ không thay đổi. Ủa mà liên quan gì? Chẳng liên quan gì cả, chỉ là đôi khi lựa chọn khác nhau dẫn đến kết quả cho một số thứ khác nhau, nhưng tổng thể thì nó không thay đổi ở những điểm quan trọng. Cho nên, free will hay không free will, nó cũng chỉ là một thứ free will trong giới hạn.

Sau khi đã lan man tùm lum thứ, giờ là giờ tự thú. Một lần nữa, giờ làm việc được trưng dụng để làm việc riêng. Tính viết thêm mấy dòng tự bào chữa, nhưng như một người bạn của mình nói “lỗi là lỗi, kết quả là kết quả, no excuse”. Được rồi, mình sẽ không bào chữa. Nên là dừng bài viết này ở đây thôi.

4/3/23

Hôm nay tôi muốn viết về tình yêu hay là những thứ tương tự thế. (?)

Sau 40 năm sống với nhau, cuối cùng bố mẹ tôi cũng sắp tới bước chính thức li hôn. Và họ chọn sau khi li hôn là trở thành kẻ thù không muốn nhìn thấy mặt nhau hơn là trở thành bạn bè hoặc người quen cũ. Ít ra là tình hình bây giờ là vậy. Tôi cũng không biết sau này khi gần đất xa trời hơn 1 chút thì họ có cải thiện được thành người quen cũ, người lạ-đã-từng-yêu hay không.

Dù sao, tôi nghĩ là họ cũng đã từng yêu nhau. Mẹ còn yêu bố không, tôi nghĩ ngay cả bà cũng không xác định được. Có thể nó là tình yêu đã bị méo mó thật, có thể nó chuyển dạng thành ghét – ồ, tới đây thì tôi nhận ra nó cũng chỉ là một dạng khác của tình cảm, chẳng phải tôi cũng từng viết như vậy vài lần trên blog này rồi sao. Bố tôi thì tôi có thể rõ là chỉ còn cảm giác khinh ghét với mẹ, dù sao ông cũng là người chủ động. Còn tôi, tôi chỉ cảm thấy tất cả giống như là một câu chuyện của gia đình một ai đấy, mà đáng tiếc là những đứa con bị kéo vào dù chúng không muốn bị kéo vào một chút nào, dù là còn nhỏ hay đã lớn. Luyến ái, dù là yêu ghét hận thù, đều là đặt tâm ý của mình lên người khác.

Một người bạn có lần nói với tôi, “Thực ra tôi cũng ngưỡng mộ Vịt lắm, vì nếu thích ai đó thì sẽ cho người ta biết.” Khi nghe bạn nói, tôi cũng cảm thấy giống như là chuyện của ai đó khác, không còn là chuyện của mình nữa. Vì dẫu tôi từng thích rất nhiều người, tôi lại cảm thấy cuộc đời đó đã xa lắm rồi. Mẹ bảo tôi chịu ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân của bố mẹ nên mới như vậy, kiểu như không yêu ai. Nó đúng, nhưng cũng sai. Vì chuyện của bố mẹ thì từ lâu rồi, trong lúc đó tôi thì vẫn có thời đi thích nhiều người cơ mà. À, tất nhiên là thích lần lượt, chứ không phải 1 lúc thích vài ba người. Có vẻ nhiều người nói về tình yêu nam nữ như một thứ gì đó hay ho, nhưng thực sự trong đám bạn đã lập gia đình của tôi, tôi thấy đa số đều là từ thích rồi lấy, không hẳn là yêu rồi lấy. Có thể tình yêu hay điều tương tự nó đến sau, có thể nó không đến, nhưng tình nghĩa cũng từ từ chen vào, nên mới thành một gia đình bền vững. Còn nếu may mắn là tình yêu thực sự từ đầu, không phải chỉ là “rất thích”, có bao nhiêu người thực sự gặp được nhỉ? Nhưng dù sao, chuyện tôi thích ai đó nó cũng đã xa lạ rồi. Tất nhiên, nếu nghĩ tới việc đồng hành cùng ai đó, giống như từ người ta nói về vợ chồng rất hay: bạn đời, bạn có thể đồng hành tới cuối đời, thì cũng hay, tôi cũng chẳng phản đối. Nhưng nếu đi một mình, tôi thấy mình ổn.

Bạn tôi có hỏi “Rồi m nghĩ tới khi già sẽ thế nào chưa? Ốm đau nằm liệt rồi sao? Ai chăm? Có tiền còn đỡ, không có tiền thì… chậc”. À chuyện tiền nó là một phạm trù khác. Dù vậy, nói thật là tôi cũng có nghĩ tới chuyện già hoặc ốm đau, nhưng thực sự vô thường, chuyện gì tới thì nó tới. Nếu tôi vô phúc bệnh mà không có tiền hoặc không có ai bên cạnh, thì cũng là điều dù muốn dù không, tôi cũng phải chấp nhận.

Có điều là, dù tôi muốn đi một mình, sống cuộc sống của riêng mình, hiện giờ tôi cũng không thể làm được. Mọi thứ trên đời là sự lựa chọn. Và tôi thực lòng mong rằng dù mình chọn điều nào, thì mình cũng không hối hận. Dù sao, nó cũng chỉ là một bài học mà tôi sẽ học trong cuộc đời này. Tôi thực sự hy vọng rằng mình vẫn đủ tỉnh táo để nhìn ra được trách nhiệm của mình trong mọi đường mà mình chọn, không đổ lỗi. Nhưng mà, tôi đùa với ai chứ, rõ ràng tôi vẫn đang cảm giác tiếc với sự lựa chọn mà tôi cho rằng nó nên như vậy. Định luật III Newton đúng với thế giới vật chất mà tôi đang sống, dù là vật lý hay là tâm thần. Ha, việc hiểu rõ lý thuyết với việc đâm đầu vào thực hành quả là còn xa nhau lắm. có lẽ vì vậy mà tôi nên thông cảm hơn với mẹ khi bà còn quá nhiều vướng mắc không thể buông bỏ được. Dù sao, bài học của mỗi người thì cũng chỉ có tự mỗi người rút ra được thôi, tôi cũng còn đang học bài của tôi chưa thông mà.

Dù sao thì life is a journey, babe.

“Do you like you?” – Goodbye 2022

Năm nay covid đã ít nhiều vắng bóng, nhưng thực sự là 1 năm không dễ dàng gì cho mình và những người xung quanh mình.

A ba mất vì ung thư, bạn B thì mất 2 đứa con, bạn C thì xém ly dị, D mấy lần nhắn muốn tự sát vì chủ nợ đen dí tới tận nhà. Mình thì chạy khùng điên từ tháng 6 tới tháng 12, vừa học vừa làm chỉ để trốn chạy không ở nhà nhiều. Cả 1 đống lần mượn rượu để có thể nói ra những lời bình thường không thể nói, dù biết nó (rượu) chẳng tốt đẹp gì.

Dù sao, năm 2022 là 1 năm đáng ghi nhớ. A ba mất nhưng đã đi Úc và có lẽ sẽ có cuộc đời mới ở đó. B thì thực sự mình không biết nói sao, bạn có quá nhiều mất mát mà vụ 2 đứa con chỉ là giọt nước trong một ly đã đầy chỉ chực tràn lắm rồi, mình cũng không biết bạn sẽ ra sao trong 2023, nhưng bạn đã vượt qua 2022, dù có đau thương mất mát tới cỡ nào chăng nữa. C thì cũng đã làm hòa với chồng, và dù vẫn chưa hoàn toàn ổn, bạn cũng đã bắt đầu có cuộc sống mới. D thì có vẻ cũng đã phần nào bớt hoảng sợ. Bạn đang làm việc cật lực để có thể trả được nợ cho bọn xã hội đen. Còn mình, đang đâm đầu làm 1 chuyện mà mình cũng không biết thế nào, nhưng làm thì làm thôi, cũng đã xin nghỉ chỗ làm yên bình hơn 3 năm, để lần nữa dấn thân vào chốn mơ hồ. À, và dù sao vụ học hành cũng đã ra được cái gì đó.

Bữa nghe bài “Try” của Colbie Callait tự nhiên muốn rơm rớm. Ừ nói chung là phải luôn yêu thương mình trước, thì mới có thể làm được mọi thứ. Thật đấy, mọi thứ.

Thế nên, ngày cuối cùng của năm, chỉ muốn nhắc mình là, dù thế nào thì cũng cần nhớ câu hỏi “Do you like you”. Thế là đủ.

Tạm biệt 2022.

À còn đây là bài Try

13.11.22

Mấy bữa rồi covid lại ghé thăm. Mình thì xuống tinh thần cũng đủ thứ. Vốn đã lười, ốm thì càng có vẻ tệ hơn chút.

Sáng nay, qua khung cửa hẹp, gió lay nhẹ rèm, mây lờ đờ trôi. Cây cối trồng ở đường trước nhà xanh đỏ đủ cả. Ừ gì thì gì chứ SG cũng có mùa thu mà. Nắng, không gian yên tĩnh. Cái cảm giác yên tĩnh mà mình có rất nhiều lần có dịp thưởng thức trong đời và chưa bao giờ thấy đủ, lại về sau nhiều ngày. Thực sự là cảm giác biết ơn vì những phút như thế này, vì không phải ai cũng có thể có được nó, và cũng không phải ai cũng cảm nhận được nó.

Hy vọng sẽ sớm khỏi Covid để kịp ra HN công tác thứ 4 tới. Dù sao mọi thứ cũng đã được chuẩn bị rồi. Vé cũng đã mua từ lâu, không đi thì không biết sao.

— Update: Hôm nay thứ 3 thì vừa kịp test âm, dù hôm qua thứ 2 thì 2 vạch vẫn đỏ lòm. Thật là buồn cười quá đỗi, nhưng cũng là may, vì không đi không được, mà đi vẫn dương thì mình sẽ tự bản thân thấy khó chịu.–

Ở dưới là bài học cả tháng nay chưa thuộc :))

Những ngày đã qua (qua lâu lắc) (1)

Hôm nay mình viết về những ngày đã qua, nhưng không như nhiều lần khác, mình thường viết về những ngày đã qua gần đây, còn lần này, là những ngày đã qua, không lâu quá, nhưng nó là một mảnh ký ức mà mình cảm thấy nó đã trôi qua từ rất lâu.

Để bắt đầu một cách chỉn chu hơn, mình sẽ nói về lý do mình muốn viết về chủ đề này. Cách dây vài hôm, mình xem “Cô gái thế kỷ 20”. Thực ra mình tính xem The good nurse, nhưng lúc đó trễ quá, và phim này có vẻ nặng đô nên thôi chọn cái có vẻ dễ xơi hơn, là “Cô gái thế kỷ 20”. Xem xong thì… trời ơi là trời, mình khó mà không nghĩ về những ngày mình học cấp 3, và cả những người mà mình đã từng gặp.

Mình nhớ về hồi học cấp 3, lớp 12. Cũng không nhớ cụ thể thế nào và từ đâu, mình để ý tới 1 bạn học khác lớp. Thiệt tình là lớp mình ở một khu không cùng dãy với các lớp khác, trừ A1. Lớp 10 thì mới chân ướt chân ráo, không biết ai với ai trừ cái lớp A1 kế bên. Lớp 11 thì chỉ có A1 đến A4 học chung 1 buổi, buổi còn lại là các lớp từ A6 tới A22 hay A23 gì đó học chung một buổi. Nên mình khá chắc là mình chỉ để ý cậu ấy từ hồi hoc lớp 12 thôi, khi học chung một buổi. chưa kể là còn ôn bài trong thư viện, học thêm… Phải, cậu ấy học thêm Lý chung với mình, và bọn mình chưa bao giờ nói chuyện với nhau lấy 1 lần. Chỉ nhớ là mình thích nụ cười của cậu ấy. Ừ tóm lại là mình dể ý tới cậu ấy.

Rồi T. kể mình nghe chuyện T “bị” một em lớp 10 thích. một T khác thì thích 1 bạn trong lớp, mình cũng vun vào, nhưng rồi phát hiện ra bạn ấy thích 1 bạn học khác trường.. tóm lại là, mình thích cậu ấy 1, thì mình muốn mình có gì để nhớ 5 hoặc 10. Mình thực sự đã nghĩ, mình chỉ có 1 lần năm cấp 3, tại sao không làm nó đáng nhớ?

Và vậy là, sau khi thi học kỳ 2, trong khi mọi người có thể là đâm đầu vào học ôn thi đại học thì mình lại đi làm thiệp. Để cho công bằng, mình không chỉ làm thiệp cho cậu ấy, mình làm thiệp cho 3-4 người. 1 là cậu ấy. 1 là bạn học chung trường từ cấp 2. 1 là bạn học chung lớp mà mình quý. Còn cái nào nữa không, mình không nhớ. Mình đã viết rất dài, nói hết những gì mình nghĩ, gồm chuyện mình đã để ý cậu ấy thế nào, mình tự nhiên thích cậu ấy ra sao và ở điểm nào. Và hình như, mình có làm cả thơ nữa (?). Và tất nhiên, chốt hạ là chúc cậu ấy thi đậu ĐH. Kế hoạch là đưa cho cậu ấy cái thiệp vào ngày cuối cùng của khối 12 (sau ngày tổng kết của trường). Để sau đó không phải gặp nhau nữa, vậy thôi.

Ngày cuối cùng bọn 12 tụ tập. Có lẽ mình đã lo lắng về chuyện làm sao đưa cái thiệp cho một người không quen (chưa bao giờ nói chuyện), nên không nhớ chuyện gì khác, ngoài chuyện mình phải canh me cậu ấy rất nhiều, thực sự là không biết làm sao có thể đưa cái thiệp cho cậu ấy mà không để lũ bạn mình hoặc bạn cậu ấy phát hiện. Mình có tính tới vụ bỏ vào giỏ xe cậu ấy, nhưng sợ cậu ấy tưởng của người lạ bỏ nhầm nên sẽ bỏ đi hoặc không xem, nên thôi. Rồi cuối cùng thì sau khi thập thò và lẽo đẽo theo cậu ấy ra nhà xe lấy xe, tui đã đưa được tận tay cậu ấy, sau khi nói là “tặng cậu nè”, tui chạy mất biệt.

Mà đúng là chuyện cố tình làm để nhớ có khác, đúng là chuyện của “20 năm sau vẫn nhớ”.

Các phần sau có duyên kể tiếp. 🙂

03.10.22

Ngộ ghê, yêu quá sẽ trở nên căm thù nhau. Yêu rồi căm thù hoài sẽ mệt, nên chúng ta sẽ dần hiểu ra sau khi trải qua hỉ nộ ái ố tất tần tật, rằng nó cũng chỉ là 1 trò chơi. Và cuối cùng, chúng ta cũng chỉ là những người yêu bản thân mình nhất.

“Nghiệp quật”

Lần đầu tiên tôi uống cà phê trứng là ở cà phê Giảng. Chắc cũng gần chục năm về trước. Uống thấy nó thật tanh thât chẳng ngon gì cả, dù vốn chỗ đấy nổi tiếng, ai cũng khen hoặc ít ra là không chê dở. Từ đấy tôi có ác cảm về cà phê trứng. Đến nỗi, dù vài lần nhiều người rủ lại ra Giảng vào các dịp ra HN khác nhau, hoặc nghe ai đó nói về cà phê trứng là tôi kiểu sẽ bĩu môi lên trong bụng “ôi chao có thể uống được cà phê tanh thế à”. À tất nhiên, với cái tựa là “nghiệp quật” thì mọi người có thể dễ dàng đoán được là bây giờ tôi lại là đứa không nghiền, nhưng chỗ nào uống cà phê là tôi sẽ gọi cà phê trứng, xác suất tới 90%, nếu nó có trong menu.

Có rất nhiều thứ khác trong đời, vào một thời điểm nào đấy, tôi có thể dễ dàng chê cái này, khích bác cái nọ, cho đến khi bị quật vào mặt những thứ mà mình từng chê, hoặc trở thành đúng cái kiểu mà mình từng không thể hiểu nổi tại sao lại có người như thế, lại hành xử như thế. À biết rồi nhá, tại vì mày chưa bao giờ ở hoàn cảnh đấy, hoặc chưa đủ “thấm” để hiểu sâu hơn, với con mắt hời hợt thì nó là thế, nhưng đến khi chính mình lâm vào hoàn cảnh tương tự và có cách hành xử tương tự thì mới “rồi, hiểu”.

Cách đây vài ngày, có một người nói với tôi rằng tại sao sau khi tức mình chửi người cho đã “nư” thì một lúc khác khi bị chửi lại, họ đã đè nén lắm rồi mà người kia vẫn không hề cho họ “hiền”, lại chửi họ là sao. Khi tôi nhắc lại chuyện họ cũng chửi y vậy, và cái họ nhận được là cái họ đã từng trao cho người kia (hoặc người khác) thì họ im và nói “thì cũng đã nhịn rồi mà, bên kia cứ làm tới”.

Thực ra thì tôi sau nhiều lần lên bờ xuống ruộng, bị đạp vào mặt cái mình nghĩ và đối đãi với người ta thì nhận ra là những gì mình nhận được hoặc cảm về người ta, là cái mà mình đã từng nghĩ và làm cho người khác, những thứ khác. Chỉ đơn giản là mình không nhận ra khi mình được trao trả lại những thứ ấy, mình chỉ cảm nhận được là “bây giờ mình đang tử tế tốt bụng”, mà quên đi rằng mình cũng chẳng khác họ đâu, chỉ là mình nhận lại những thứ mình đã trao đi thôi. Thế giới này, thực ra là sự lặp lại. Bên trong hay bên ngoài, nó đều là sự phản ánh qua lại mà thôi. Vậy nên mới có câu “tâm an vạn sự an” là vậy.

“Little things” hay là chuyện dưới 100 chữ (1)

  1. Lấy xe ra, theo thói quen, de xe lui, hơi vướng, hơi loay hoay. Chú giữ xe đi tới. “Làm gì tội vậy con, sao không tiến về phía trước mà lại đi lùi vậy. Chắc trước giờ quen lùi ha, làm gì cũng phải nghĩ tới tiến chứ.” Lúc này mới nhìn đường “tiến”, thoáng thiệt luôn, lấy xe cái rẹt.
  2. Làm bài sai 1 phần, tiết kiệm, loay hoay cả 10 phút tháo ghim, đóng lại. Cuối cùng từ bỏ, mang ra tiệm, cái rẹt. 5 phút.
  3. Trời nóng. Xe nóng. Người nóng. Mà đi đường, ngước nhìn trời. Ánh sáng, ta nói nó lung linh gì đâu. Mây, mặt trời và tia nắng trời ơi đẹp. Cầm lòng không đặng, dừng xe, chụp cái hình. Tính ra chạy giữa trưa nắng, 2 tiếng, chỉ để sửa lỗi 1 phần cực nhỏ in sai đóng lại và nộp lại, nhờ vậy mà có đứa mới lết ra đường và thấy trời đẹp vậy. Tốt thì không tốt, nhưng tệ chỗ nào?