4/3/23

Hôm nay tôi muốn viết về tình yêu hay là những thứ tương tự thế. (?)

Sau 40 năm sống với nhau, cuối cùng bố mẹ tôi cũng sắp tới bước chính thức li hôn. Và họ chọn sau khi li hôn là trở thành kẻ thù không muốn nhìn thấy mặt nhau hơn là trở thành bạn bè hoặc người quen cũ. Ít ra là tình hình bây giờ là vậy. Tôi cũng không biết sau này khi gần đất xa trời hơn 1 chút thì họ có cải thiện được thành người quen cũ, người lạ-đã-từng-yêu hay không.

Dù sao, tôi nghĩ là họ cũng đã từng yêu nhau. Mẹ còn yêu bố không, tôi nghĩ ngay cả bà cũng không xác định được. Có thể nó là tình yêu đã bị méo mó thật, có thể nó chuyển dạng thành ghét – ồ, tới đây thì tôi nhận ra nó cũng chỉ là một dạng khác của tình cảm, chẳng phải tôi cũng từng viết như vậy vài lần trên blog này rồi sao. Bố tôi thì tôi có thể rõ là chỉ còn cảm giác khinh ghét với mẹ, dù sao ông cũng là người chủ động. Còn tôi, tôi chỉ cảm thấy tất cả giống như là một câu chuyện của gia đình một ai đấy, mà đáng tiếc là những đứa con bị kéo vào dù chúng không muốn bị kéo vào một chút nào, dù là còn nhỏ hay đã lớn. Luyến ái, dù là yêu ghét hận thù, đều là đặt tâm ý của mình lên người khác.

Một người bạn có lần nói với tôi, “Thực ra tôi cũng ngưỡng mộ Vịt lắm, vì nếu thích ai đó thì sẽ cho người ta biết.” Khi nghe bạn nói, tôi cũng cảm thấy giống như là chuyện của ai đó khác, không còn là chuyện của mình nữa. Vì dẫu tôi từng thích rất nhiều người, tôi lại cảm thấy cuộc đời đó đã xa lắm rồi. Mẹ bảo tôi chịu ảnh hưởng từ cuộc hôn nhân của bố mẹ nên mới như vậy, kiểu như không yêu ai. Nó đúng, nhưng cũng sai. Vì chuyện của bố mẹ thì từ lâu rồi, trong lúc đó tôi thì vẫn có thời đi thích nhiều người cơ mà. À, tất nhiên là thích lần lượt, chứ không phải 1 lúc thích vài ba người. Có vẻ nhiều người nói về tình yêu nam nữ như một thứ gì đó hay ho, nhưng thực sự trong đám bạn đã lập gia đình của tôi, tôi thấy đa số đều là từ thích rồi lấy, không hẳn là yêu rồi lấy. Có thể tình yêu hay điều tương tự nó đến sau, có thể nó không đến, nhưng tình nghĩa cũng từ từ chen vào, nên mới thành một gia đình bền vững. Còn nếu may mắn là tình yêu thực sự từ đầu, không phải chỉ là “rất thích”, có bao nhiêu người thực sự gặp được nhỉ? Nhưng dù sao, chuyện tôi thích ai đó nó cũng đã xa lạ rồi. Tất nhiên, nếu nghĩ tới việc đồng hành cùng ai đó, giống như từ người ta nói về vợ chồng rất hay: bạn đời, bạn có thể đồng hành tới cuối đời, thì cũng hay, tôi cũng chẳng phản đối. Nhưng nếu đi một mình, tôi thấy mình ổn.

Bạn tôi có hỏi “Rồi m nghĩ tới khi già sẽ thế nào chưa? Ốm đau nằm liệt rồi sao? Ai chăm? Có tiền còn đỡ, không có tiền thì… chậc”. À chuyện tiền nó là một phạm trù khác. Dù vậy, nói thật là tôi cũng có nghĩ tới chuyện già hoặc ốm đau, nhưng thực sự vô thường, chuyện gì tới thì nó tới. Nếu tôi vô phúc bệnh mà không có tiền hoặc không có ai bên cạnh, thì cũng là điều dù muốn dù không, tôi cũng phải chấp nhận.

Có điều là, dù tôi muốn đi một mình, sống cuộc sống của riêng mình, hiện giờ tôi cũng không thể làm được. Mọi thứ trên đời là sự lựa chọn. Và tôi thực lòng mong rằng dù mình chọn điều nào, thì mình cũng không hối hận. Dù sao, nó cũng chỉ là một bài học mà tôi sẽ học trong cuộc đời này. Tôi thực sự hy vọng rằng mình vẫn đủ tỉnh táo để nhìn ra được trách nhiệm của mình trong mọi đường mà mình chọn, không đổ lỗi. Nhưng mà, tôi đùa với ai chứ, rõ ràng tôi vẫn đang cảm giác tiếc với sự lựa chọn mà tôi cho rằng nó nên như vậy. Định luật III Newton đúng với thế giới vật chất mà tôi đang sống, dù là vật lý hay là tâm thần. Ha, việc hiểu rõ lý thuyết với việc đâm đầu vào thực hành quả là còn xa nhau lắm. có lẽ vì vậy mà tôi nên thông cảm hơn với mẹ khi bà còn quá nhiều vướng mắc không thể buông bỏ được. Dù sao, bài học của mỗi người thì cũng chỉ có tự mỗi người rút ra được thôi, tôi cũng còn đang học bài của tôi chưa thông mà.

Dù sao thì life is a journey, babe.

“Nghiệp quật”

Lần đầu tiên tôi uống cà phê trứng là ở cà phê Giảng. Chắc cũng gần chục năm về trước. Uống thấy nó thật tanh thât chẳng ngon gì cả, dù vốn chỗ đấy nổi tiếng, ai cũng khen hoặc ít ra là không chê dở. Từ đấy tôi có ác cảm về cà phê trứng. Đến nỗi, dù vài lần nhiều người rủ lại ra Giảng vào các dịp ra HN khác nhau, hoặc nghe ai đó nói về cà phê trứng là tôi kiểu sẽ bĩu môi lên trong bụng “ôi chao có thể uống được cà phê tanh thế à”. À tất nhiên, với cái tựa là “nghiệp quật” thì mọi người có thể dễ dàng đoán được là bây giờ tôi lại là đứa không nghiền, nhưng chỗ nào uống cà phê là tôi sẽ gọi cà phê trứng, xác suất tới 90%, nếu nó có trong menu.

Có rất nhiều thứ khác trong đời, vào một thời điểm nào đấy, tôi có thể dễ dàng chê cái này, khích bác cái nọ, cho đến khi bị quật vào mặt những thứ mà mình từng chê, hoặc trở thành đúng cái kiểu mà mình từng không thể hiểu nổi tại sao lại có người như thế, lại hành xử như thế. À biết rồi nhá, tại vì mày chưa bao giờ ở hoàn cảnh đấy, hoặc chưa đủ “thấm” để hiểu sâu hơn, với con mắt hời hợt thì nó là thế, nhưng đến khi chính mình lâm vào hoàn cảnh tương tự và có cách hành xử tương tự thì mới “rồi, hiểu”.

Cách đây vài ngày, có một người nói với tôi rằng tại sao sau khi tức mình chửi người cho đã “nư” thì một lúc khác khi bị chửi lại, họ đã đè nén lắm rồi mà người kia vẫn không hề cho họ “hiền”, lại chửi họ là sao. Khi tôi nhắc lại chuyện họ cũng chửi y vậy, và cái họ nhận được là cái họ đã từng trao cho người kia (hoặc người khác) thì họ im và nói “thì cũng đã nhịn rồi mà, bên kia cứ làm tới”.

Thực ra thì tôi sau nhiều lần lên bờ xuống ruộng, bị đạp vào mặt cái mình nghĩ và đối đãi với người ta thì nhận ra là những gì mình nhận được hoặc cảm về người ta, là cái mà mình đã từng nghĩ và làm cho người khác, những thứ khác. Chỉ đơn giản là mình không nhận ra khi mình được trao trả lại những thứ ấy, mình chỉ cảm nhận được là “bây giờ mình đang tử tế tốt bụng”, mà quên đi rằng mình cũng chẳng khác họ đâu, chỉ là mình nhận lại những thứ mình đã trao đi thôi. Thế giới này, thực ra là sự lặp lại. Bên trong hay bên ngoài, nó đều là sự phản ánh qua lại mà thôi. Vậy nên mới có câu “tâm an vạn sự an” là vậy.

“Little things” hay là chuyện dưới 100 chữ (1)

  1. Lấy xe ra, theo thói quen, de xe lui, hơi vướng, hơi loay hoay. Chú giữ xe đi tới. “Làm gì tội vậy con, sao không tiến về phía trước mà lại đi lùi vậy. Chắc trước giờ quen lùi ha, làm gì cũng phải nghĩ tới tiến chứ.” Lúc này mới nhìn đường “tiến”, thoáng thiệt luôn, lấy xe cái rẹt.
  2. Làm bài sai 1 phần, tiết kiệm, loay hoay cả 10 phút tháo ghim, đóng lại. Cuối cùng từ bỏ, mang ra tiệm, cái rẹt. 5 phút.
  3. Trời nóng. Xe nóng. Người nóng. Mà đi đường, ngước nhìn trời. Ánh sáng, ta nói nó lung linh gì đâu. Mây, mặt trời và tia nắng trời ơi đẹp. Cầm lòng không đặng, dừng xe, chụp cái hình. Tính ra chạy giữa trưa nắng, 2 tiếng, chỉ để sửa lỗi 1 phần cực nhỏ in sai đóng lại và nộp lại, nhờ vậy mà có đứa mới lết ra đường và thấy trời đẹp vậy. Tốt thì không tốt, nhưng tệ chỗ nào?

Đó là một buổi sáng ướt đẫm sương. Sương ướt đầy cành cây ngọn cỏ, giăng đầy trên tơ nhện, cứ ngỡ như mưa vừa qua.

Đó là một buổi sáng, mắt nhắm mắt mở tìm đồng hồ xem có trễ giờ đi làm hay không, đầu ong ong và vẫn choáng váng vì đã uống quá nhiều đêm hôm trước.

Đó là một buổi sáng, nhìn lên bầu trời, xuyên qua kẽ lá, nắng lấp ló khiến màu xanh của lá bừng lên một vẻ đẹp vừa yên bình vừa rực rỡ.

Đó là một buổi sáng, chạy xe chầm chậm đầu nghĩ miên man đủ thứ chuyện trên đời, vui hay không vui, những chuyện đã trải qua, chưa trải đến.

Đó là một ngày, nghe câu chuyện đau lòng của người khác, bất giác mình cũng đau lòng mà cười phá lên.

Đó là một ngày, trên chuyến tàu nhìn ngắm cảnh vật chạy qua, tự nhiên lại xúc động muốn khóc.

Đó là một ngày, rồi thêm một ngày. Rồi lại một ngày.

Biết sao không, làm người ấy, dẫu đau khổ hay sung sướng – thực ra từ “suffer” dùng trong câu tiếng Anh mà người ta gán là Đức Phật dạy ấy “life is suffering”, nó không phải là đau khổ, nó có thể là sung sướng nữa – cái quan trọng là, cảm nhận được tất cả những thứ ấy. Hạnh phúc, mất mát, đau buồn, vui vẻ, tất cả các cảm xúc, tất cả mọi chuyện xảy ra, thực sự nó làm cho con người tầm thường nhưng cũng trở nên phi thường. Nó thú vị lắm, thực sự là thú vị.

01.03.2022

Bài này của Aki, nhưng bản phối trong phim do các bạn học sinh hát mình thích hơn. Bên dưới là bản mình thích hơn.

Thực ra bài này ban đầu mình nghe vì Youtube đề xuất từ list 1 đống nhạc Nhật mà mình hay nghe, mà cũng lâu rồi, không phải gần đây. Bản các bạn học sinh hát thì được đề xuất mới hơn, bản đầu tiên mình nghe là của Aki (nhưng không phải bản mình đưa link ở trên). Mãi đến hôm kia mình mới tìm xem bài này nói gì, hóa ra là một lá thư. Bản nhạc này lời mình cảm thấy đồng cảm, nên là share. Còn nhạc thì hay hay không hay, tùy người nghe.

Sáng nay test nhanh lại, cuối cùng sau 10 ngày, đã âm tính. Mình là người cuối cùng âm tính trong nhà, dù là bị đầu tiên. Dẫu vậy, ảnh hưởng của nó lên mình nhẹ hơn mẹ khá nhiều. Nghĩ cũng tội mà thôi cũng kệ (vì cũng chẳng có cách nào khác, chuyện xảy ra thì nó xảy ra thôi), mẹ thực ra không khỏe, giờ đến thuốc điều hòa nhịp tim cũng không dám uống vì sau khi âm tính xong, nó cũng làm nhịp tim mẹ giảm thất thường và hay có cơn mệt lả bất thường. Oxy của mẹ vẫn nằm trong mức cần đề phòng, lên xuống 94-96. Nói chung là hỏi mình có thấy “tội lỗi” chút nào không khi lây bệnh thì thực tình không, vì như mình nói, mình cũng không cố ý, với cả sống chung thì vậy. Có điều từ giờ sẽ cẩn thận hơn, 5k khi đi làm đi học, chứ không chủ quan như trước nữa.

Mình cũng nghĩ nhiều thứ trong thời gian nhìn ba bức tường và cái cửa ra vào lắm, nhưng mà mình không thể viết ra được, nó luôn bị kẹt đâu đó.

Dạo này xem 25 21. Có một điều trong phim gợi lại chuyện cũ, là chuyện chat và kể cho người quen không biết mặt. Thời Yahoo Messenger. Mình vẫn cảm thấy, việc nói chuyện và cảm nhận khi không gặp nhau nó thú vị hơn rất nhiều so với việc gặp một ai đó thực tế để nói. Hình như khi đọc người ta diễn giải nhiều hơn theo cảm nhận của mình, và việc chạm tới tâm hồn một ai đó dễ dàng hơn nhiều so với khi gặp nhau, nhìn mặt nhau và biết nhau là ai. Tất nhiên, nếu người đó đủ duyên để gặp thật và vẫn còn đủ khả năng để trở thành bạn thật thì cũng hay, nhưng mình vẫn thích “gặp” trong cảm nhận câu từ và nói chuyện khi không thấy mặt và không “biết” nhau ở ngoài. Hơi buồn cười nhỉ. Có lẽ đó là lý do tôi rất kén để có bồ, haha. Nói vậy chứ, ở một góc độ khác, khi “hiểu” nhau trước khi “biết” ở ngoài người ta như thế nào, có khi lại giúp thân nhau hơn.

Hôm nay nhảm vậy đủ rồi, đã khỏe tức là có thể làm mọi thứ bình thường.

Life is a journey of experiences.

Người ta không thể đi ngược dòng thời gian

Tôi còn nhớ, năm tôi học năm 3 hoặc 4, có một lần một Giáo sư của một trường ĐH KT ở Nhật về nói chuyện và mời chúng tôi, những ai ham thích có thể cùng nghiên cứu về một đề tài hình như là liên quan tới Biogas.

Tôi thực tình chẳng nhớ rõ lắm đề tài là gì, vị Giáo sư tên gì hay phương pháp nghiên cứu, v.v. mà ông sẽ tiến hành như thế nào, nhưng tôi lại nhớ rõ một câu chuyện dẫn dắt của thầy, tại sao ông lại quyết định theo hướng sử dụng và cải thiện vật liệu tự nhiên để nâng cao đời sống con người.
Thầy kể là, con của thầy, cũng như chúng tôi, đôi khi phải nghe những chuyện thế hệ của Thầy đã sống vất vả như thế nào, và đời sống thay đổi ra sao, nhưng chính sự thay đổi đó đã dẫn đến sự tàn phá thiên nhiên và hậu quả chúng ta sẽ phải gánh như thế nào. Con thầy – nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như cũng là con gái, trả lời thầy là, nhưng bây giờ chúng con không thể quay lại sống khó khăn như thời của cha. Ví dụ như ngày xưa có cái áo đi mưa bằng lá, bây giờ thì đủ loại áo mưa hiện đại, chắc chắn không ai đi chọn cái áo mưa bằng lá ấy – trừ những người rất rất bảo thủ và không tiếp nhận sự tiện dụng của cái áo mới. Và thầy nói, con thầy nói đúng, ngay cả thầy, giờ bảo thầy quay lại sống một cuộc sống y như xưa thì không thể. Hoặc đơn giản là, bây giờ mà bảo ngừng khai thác than đá, dầu, v.v để bảo vệ tự nhiên, con người có thể ngừng khai thác được không? Câu trả lời tất nhiên là một chữ KHÔNG to đùng.
Và vậy là, người ta chỉ có thể cải thiện cái đã có để nó thân thiện với môi trường, để nó vẫn tiện dụng, nhưng mong muốn về thiên nhiên, về những giá trị của ngày xưa thì vẫn còn.
Câu chuyện đại loại thế. Nhưng thực ra nó làm tôi suy nghĩ rất nhiều, và càng nghĩ, tôi càng thấy đúng về việc, khi người ta đã quen với sự thoải mái, người ta sẽ cố gắng để thoải mái hơn nữa, có thể là cố gắng nâng cao nó, ví dụ như đề tài của vị giáo sư đó, để hài hòa giữa thiên nhiên và con người – nhưng thực tế, theo một mặt nào đó, nó chính là sự thỏa mãn thêm cho con người, khi vừa có cái này, vừa có cái khác – tất nhiên là theo chiều hướng tốt cho mọi thứ xung quanh, thay vì chỉ có lấy đi mà không trả lại.
Và, những ai cố gắng cưỡng theo dòng chảy ấy, sẽ đơn giản giống như là cưỡng lại dòng chảy của thời gian vậy, sẽ không thể cưỡng lại được. Trừ khi thời gian ngừng trôi với chính bản thân người ấy mà thôi.
Bỗng chốc tôi nhận ra những vấn đề tương tự. Ngay với chính bản thân mình.
Giống như việc một khi tôi đã đặt chân được ra khỏi nhà, thì việc mỗi khi về, dù Gia đình tôi ở đấy, Bố Mẹ tôi ở đấy và cả thằng em tôi ở đấy, tôi vẫn có cảm giác mình phải đi ra khỏi nhà, nhất là khi tôi thấy SG không phải là quê nhà của tôi. Nghe thật là buồn cười, làm sao có thể nói một cách phũ phàng như vậy được, khi mà tôi đã sinh ra ở đó, lớn lên ở đó. Có lẽ vì trong kí ức của tôi, Sài Gòn chỉ quanh quẩn là đám cây trong vườn đằng trước và sau nhà, rồi nước ngập lênh láng mỗi khi trời mưa, là cái nơi mà tôi có cảm giác giống như ở làng quê hơn ở một thành phố. Và bây giờ, sau khi trải qua được một số thay đổi, rồi trở về, đi nhiều nơi hơn ở Sài Gòn, tôi giật mình vì nó bỗng chật chội, xô bồ và ồn ã, không giống như cái “xóm” nhỏ của tôi hồi xưa nữa.Tất nhiên là tôi thấy được sự ích kỉ của mình khi nói câu đó, vì bây giờ, khi tôi thực sự về quê, nơi vẫn có làng, và thực sự có ruộng, thì tôi lại thấy họ gần gũi nhưng theo một cách nào đó, tôi sẽ muốn thay đổi để nó giống Sài Gòn, ví dụ… thay cái nhà vệ sinh không có cửa chẳng hạn (!), hoặc cải thiện lại cái bồn cầu…, hoặc là cách các em nhỏ nói chuyện và chửi thề đánh nhau. Còn cái xóm nhỏ của tôi, tôi không nhớ mình có bao giờ chửi thề, tôi đã là một đứa trẻ rất ngoan, nhưng tôi còn nhớ L. – thằng bạn thưở bé của tôi bảo là trong xóm có một thằng hơn chúng tôi vài tuổi, danh xưng là Quỷ Đầu Đỏ (hồi đấy không có thuốc nhuộm tóc đâu, hình như do một cái áo nó mặc thì phải) lại là một trong những đứa hay chửi thề và quậy phá (nhưng thực sự tôi không thấy nó như vậy, tôi với QĐĐ chạm trán vài lần, chỉ có 1 lần duy nhất nó chọc tôi là bạn gái của L., còn những lần khác thì nó chẳng chọc phá hay gây sự gì với tôi cả). Mà thôi, quay lại chuyện làng quê, tôi có cảm giác là riêng vấn đề này thì cả ở quê hay ở phố, hình như cũng không có gì thay đổi nhiều… và người ta thường đổ lỗi cho giáo dục. Tôi lại lạc đề rồi…
Vấn đề chính là, tôi nhận ra một cách đơn giản, mình không thể đi ngược dòng, và nếu muốn thay-đổi-trở-lại, thì người ta phải tìm cách để giữ cái tiện nghi trong cái hiện tại, kết hợp cái người ta muốn giữ – nhưng phải biến nó sao đó để nó bỗng trở thành tiện nghi mà người hiện tại sẽ thích – thì người ta mới có thể thay-đổi-trở-lại.
Giống như là khi bạn giao cho một đứa trẻ một cái máy tính hay điện thoại thông minh, và bạn bắt nó phải ra ngoài vận động kết hợp với việc tự tìm hiểu cái máy tính hay điện thoại đó, thì bạn cần để nó nhận ra sự thú vị của việc chơi vận động với bạn bè, và cả sự thú vị khi ngồi với cái máy tính, còn không thì bạn sẽ khó mà dứt nó ra khỏi cái máy tính, để rồi càm ràm bảo “thế hệ bây giờ, trẻ con chỉ biết có mỗi máy tính, cô lập”, thế này thế khác… Chứ không phải hoặc chỉ để nó ở ngoài chơi suốt, và cấm tiệt tất tần tật: ti vi, máy tính, điện thoại, v.v. (cái này thì chắc ít gia đình nào làm), hoặc như tôi nói, để mặc nó ngồi tự kỉ cả ngày trong phòng với cái máy.
Năm mới, những tin tức đầu tiên tôi đọc được, là vụ thiệt mạng 35 người ở Thượng Hải, trước đó là tin máy bay rơi, nhà cháy… toàn những tin không vui… nhưng mà dù thế nào, thì như tôi nói, người ta không thể đi ngược dòng thời gian, để tìm lại những gì đã mất, chỉ có thể thay đổi nó theo hướng tích cực mà thôi. Ít ra thì trong trường hợp này, khi thấy mình không thể làm được gì, tôi sẽ đơn giản chỉ . là cầu mong và tin tưởng năm nay mọi thứ sẽ bình an hơn, dù có chuyện gì xảy ra chăng nữa. Còn với bản thân, tôi chỉ mong sẽ là năm dù tôi có thay đổi bất kì điều gì, thì tốt nhất nó nên giống vòng xoáy trôn ốc của bão, vậy thôi.

Bắc Hà – Simacai (tiếp theo và hết)

Sáng ngày thứ 2, tức là sáng chủ nhật – tối hôm đấy chúng tôi sẽ phải về lại Hà Nội, tôi có ý định hỏi giờ check out để có gì gửi lại đồ ở khách sạn thôi, rồi đi đâu thì đi.

Sau khi chúng tôi ngủ chán chê – thực ra là có 1 mình tôi ngủ thôi, vì thấy mưa suốt, ngủ với hy vọng sẽ hết hoặc bớt mưa để đi chơi; tôi quyết định thật là phí phạm khi nằm dài ở khách sạn như thế này, nên bảo chị ấy là tôi cần phải ra ngoài, ít nhất để đi chợ – cần phải mua 1 đôi giày nhựa hoặc xăng-đan, do tôi chỉ có duy nhất 1 đôi giày (ẩu dễ sợ luôn – có tới 2 đôi giày xăng đan khác nhưng để hết ở HN. Mà cũng có khi lại là quyết định đúng, vì 2 đôi xăng đan kia mà đi vô nước thì cũng không biết thế nào), nhưng đêm qua mưa to làm đôi giày sũng nước, sau đó thì từ tối đến tận trưa khi ngủ dậy trời vẫn cứ mưa, nên tôi cần có 1 đôi giày/dép, không thì giống như cả ngày ngâm chân vô nước, cảm mất.

Và tôi có bảo ý định check out, chị ấy có vẻ không thích nên cũng có vẻ gạt đi, bảo là để đấy chắc chẳng sao đâu.

Chúng tôi xuống dưới nhà, hỏi về vụ check out. Có 2 người chịu trách nhiệm của quán đấy bảo là không sao, nếu vắng khách thì cho chúng tôi ở lại, free, còn nếu thiếu phòng thì sẽ mang đồ của chúng tôi xuống phòng tiếp tân. Chúng tôi quyết định đi chợ rồi về thanh toán tiền sau, do người thu ngân của quán cũng ko có ở đấy, với lại tiền ăn tối qua cũng không có người tính.

Chợ Bắc Hà đông hơn chợ Cán Cấu nhiều. Có vẻ “thành thị” hơn – hiển nhiên rồi. Chúng tôi đi vòng vòng chơi, tôi cuối cùng mua được 1 đôi giày xăng-đan bộ đội màu nâu (của nam thì phải, nhưng tôi không care). Sau vụ trả giá ngày hôm qua, tôi nhận ra mình trả giá!! Thật là hơi ngạc nhiên, vì trước đó tui không bao giờ thích vụ đôi co giá cả, và lúc nào cũng không biết phải trả như thế nào cho phải, vì cũng ko biết người ta nói thật nói thách ra sao.

Kể lại cho bạn nghe chơi:

Chị ơi đôi xăng đan bộ đội này bao nhiêu vậy chị?

– 35 nghìn đồng em.

(suy nghĩ trong đầu là: “trời ơi đôi này bền mà, rẻ dữ zị trời…”)

– 20 nghìn thôi chị.

– 20 nghìn chị bán không nổi đâu. 30 nghìn.

– 25 nghìn. Em trả thế thôi.

– 25 nghìn chị không có lời đâu. Thật đấy, em mở hàng cho chị đi, chứ 25 nghìn chị bán không nổi đâu, 30 nghìn.

– 27 vậy chị.

– 30 em ạ.

– Thôi, giá chót, chị bớt 1 tiếng em tăng 1 tiếng. 28 nghìn nhá.

Chốt giá 28 nghìn.

Trời. Tui không bao giờ nghĩ mình lại thích cái kiểu cò kè trả từng đồng như vậy, nhất là khi giá của đôi giày xăng đan nhựa đó, tui nghĩ ở xì phố chắc cũng không có giá vậy, chắc cũng phải 40-50 nghìn, có khi hơn.

Vậy mà vậy đó. =))

Đôi giày đó rộng, và có vẻ là giày nam nữa, nên số đã rộng hơn chân tui 1 số rồi nên càng rộng. Dù sao cũng không sao. Tui thích cái giày đó, nhẹ, bền, hợp với mấy cái vũng bùn. =)) Và có vẻ leo núi đồi đi bụi hợp. Lần sau đi bụi, nhất định tui vác nó theo tiếp.

Mua được giày, chúng tôi đi ăn. Lại là Phở. Ở đây, nếu quên không dặn thì người ta sẽ cho bạn rất rất nhiều Mì chính/Bột ngọt. Cả một thìa canh đầy ú ụ! May mà tôi nhìn thấy trước khi chị chủ quán đổ nước dùng vào, nên chị ấy có hớt ra được 1 chút.

Tôi thì thấy mì này ăn cũng được thôi, rau sống không có đa dạng như chỗ chúng tôi ăn hôm qua. Chỗ hôm qua ăn thì của người dân tộc bán, cô ấy không nói được tiếng Kinh mấy. Còn ở đây là người Kinh bán. Chỗ hôm qua, có vẻ bẩn hơn 1 chút, nhưng mà đồ ăn nhiều. À, nước trà cũng lạ hơn – bằng lá gì đó tui không rõ. Nhưng mà giá đắt hơn. 30 ngàn/tô. Còn ở đây 20 ngàn. Tui thấy ăn cũng được, cả 2 chỗ. Ít thì cũng tốt, vì vừa ăn hơn. Hôm qua thì tui phải ăn cố.

Còn chị kia, lỡ cho ớt hơi nhiều, mà không ngờ ớt cay quá, nên chị ấy chỉ hớp được có 1 chút và vớt thịt ăn, còn lại bỏ. Nhưng chị đó khen là ở đây ngon hơn.

Tui thì chỗ nào cũng được, mỗi chỗ có hay dở riêng, tui nói rồi đó.

Ăn xong thì đi dạo chợ.

Chợ có nhiều khu ghê. Đi 1 hồi trèo lên khu bán chó, bán lợn, bán trâu bò. Y như hôm qua, khi đến khu bán lợn, tiếng kêu thật là đau đớn và nức lòng… tui không muốn nghe nữa. Nhìn mà cảm giác rợn người… thấy tội nghiệp cả người lẫn vật…

Còn chó, thường bị nhốt trong cũi hoặc bị dắt dây. Đa phần là chó con, mập mập. Nhìn rất thích, nhưng mưa, tụi nó nhìn cũng tội. Có một con chó khá lớn, biết mình bị dắt đi bán, trùng dây lại kéo chủ không chịu đi, nhưng vẫn bị chủ lôi đi xềnh xệch ra chỗ bán. Tui thì ấn tượng 1 cảnh “nhân văn” hơn: có 1 anh người dân tộc bế 1 con chó con, có vẻ che cho nó không bị mưa. Đứng là biết anh ấy bán con chó con đó rồi, nhưng mà cả chủ cả vật quyến luyến nhau lắm, có vẻ anh ấy cũng chẳng quan tâm là có ai quan tâm hỏi chó của mình không. Tui muốn mua mấy con nhìn tội tội, lẫn con chó đó, nhưng mà chịu thôi…

Chỗ bán trâu thì không đến nỗi, người ta dẫn đi bán đa phần những chú trâu to khỏe, mập mạp, nhưng cũng có chú đi hơi cà nhắc.

Chị kia muốn đi mua lược sừng trâu, nhưng không có.

Tui thì không muốn mua gì lắm, có thể muốn đi xem lại có tấm chăn nào rẻ tiền hơn không, nhưng thực lòng giờ không có ý mua nữa.

Trời mưa to hơn chút. Chúng tôi đi về khách sạn. Lần này hỏi rõ hơn về vụ tiền bạc phòng nghỉ, thì người khác bảo chúng tôi là không có phòng (dù lúc chúng tôi về, 2 xe khách chở khách tây check out để đi chỗ khác. vậy mà họ bảo là không có phòng….!!!) nên chúng tôi phải trả thêm tiền để ở lại, hoặc không thì check out ngay. Đồ họ có thể giữ giùm.

Tôi thì muốn check out. Còn chị kia thì không. Lý do là chị ấy mệt, vả lại cũng muốn tắm rửa nghỉ ngơi trong khách sạn, nên đã nói chuyện để chúng tôi trả thêm 1/2 ngày (ở lại tới 8 giờ tối). Người ta ok. Tui thì không thích lắm. Cái đó là mặt trái của việc đi 2 người…

Trời hết mưa. Chúng tôi đi ăn trưa. Không về hướng chợ nữa, chúng tôi đi hướng ngược lại. Đến gần Bệnh viện, có 1 quán ăn nhỏ, chúng tôi rẽ vào. Định gọi phần ăn 20k thay vì 30k cho mình, nhưng thực lòng không hiểu sao tôi lại chiều lòng bạn đồng hành, gọi phần 30k. Cuối cùng chị kia ăn không nổi, kêu là do mệt quá, may mà đồ ăn dọn ra đĩa chứ không phải dọn theo kiểu cơm phần, nên tôi ráng ăn hết – no quá là no. Lúc đấy thực sự hối hận, nghĩ bụng mình cứ gọi theo sức của mình, có phải đỡ tiền và đỡ phải bị ăn cố hay không. Một lần nữa, mặt trái của việc đi 2 người hiện rõ ràng lên trong tôi.

Sau đó, chúng tôi đi Dinh Hoàng A Tưởng theo chỉ dẫn của chị chủ quán. Chị ấy đang chỉ, thì có 1 anh, răng cửa có một cái khe nhìn mặt rất thật và chân chất, bảo chúng tôi là “Các chị đi HAT à”. Và rồi cười cười, vừa đi vừa có ý đợi chúng tôi. Thế là chúng tôi bắt chuyện với anh đó. Anh ấy hỏi chuyện, bảo chúng tôi đã ăn mèn méng chưa. Tui nhớ loáng thoáng hình như mẹ có nói về từ này nhiều lắm, nhưng không nhớ, nên hỏi nó là gì. Anh ấy bảo là ngô trộn cơm. Cái đấy khá là đặc trưng vì người ta ăn món này nhiều lắm ở đây. Rồi bảo chúng tôi về cuộc đua ngựa hàng năm vào ngày 8 tháng 6 (ngày 5 bắt đầu thi và ngày 8 là chung kết), nói chúng tôi là ráng đi vào ngày đấy đi, vui lắm. Anh có 2 con gái rồi (anh ấy dùng từ “hai cô công chúa”, làm ruộng – lúa và ngô. Hàng năm thì thu hoạch được chừng 30-40 tấn ngô. Còn thóc thì tôi không hỏi. Chủ yếu là tôi nói chuyện với anh ấy thôi, do chúng tôi đi bộ, và tôi đi khá nhanh, cùng vận tốc với anh đó, còn chị kia mệt nên đi chậm hơn.

Tới HAT, anh ấy chỉ cho chúng tôi, vẫy tay và bảo “Em đi tiếp đây. Tới nơi rồi 2 chị nhé. Hai chị nhớ ngày 8/6 nhé.” Nụ cười thật thân thiện và chân chất. 🙂

Chị kia không thích dinh thự, nên chỉ ngồi ở ngoài, xem lại mấy cái hình chụp, và trách tôi là chụp nhiều hình hỏng quá… (khi chị ấy chở, tui ngồi sau, giơ máy chụp tứ tung, được cái nào thì lấy cái đấy). Hình toàn là vô nghĩa, cắt gọn không đẹp, không có ý nghĩa gì hết, v.v. Tôi không nói gì. Cảm thấy hơi thất vọng. Có lẽ chúng tôi không nên đi cùng nhau chăng?

Tôi đi vòng quay dinh 1 mình, chụp 1 số hình rồi đi ra. Chúng tôi đi về khách sạn, sau đó chị đó lên phòng, tôi ra chợ chơi tiếp.

Đi 1 mình thật là thoải mái. Trời lại xầm xì muốn mưa nữa, tui thấy người ta cũng chuẩn bị dọn hàng về. Tui ghé vào một chỗ mấy cô đang chọn mua loại quả gì đó, tò mò hỏi

“Chị ơi quả này là quả gì thế”.

“Quả trám chị ạ.”

‘Quả này ăn được không ạ?”

“Ăn được, nhưng mà ít ai ăn lắm. Người ta mua về kho thịt và nấu ăn hơn là ăn sống”

“Thế cho em 1 quả ăn thử được không?”

“Chị lấy đi này, ăn xong rồi uống nước thì ngọt lắm”.

Khúc “uống nước” tôi nghe không rõ, tưởng là ăn nó với 1 loại nước gì đấy, hỏi lại bị mọi người cười ồ vì cái sự … ngố của tui. Nhưng mà tui thấy vui, vì làm cho mọi người thoải mái, và tui cũng thích nữa. =))

Đi dọc xuống chợ và nhấm nháp quả trám xanh.

Cũng vui. =))

Tui đến một cái hồ rộng nhưng cạn. Có 1 người duy nhất đang bắt cua. Tui lấy máy chụp mấy con vịt, cái hồ, rồi chụp người. Lẩn thẩn chơi 1 mình chán thì đi về.

Rồi sau đó ăn tối, check out… chẳng có gì đáng để kể nữa.

Câu chuyện chỉ có vậy thôi.

“Fighting time”

Thực sự không muốn đặt tựa như vậy chút nào.

Không phải là “fighting”, nhưng mà là “fighting”.

Ngày hôm qua biết được rất nhiều thứ “negative”. Thực sự nó ảnh hưởng rất nhiều đến mình. Lần đầu tiên tự hỏi, mình ra đây là sai chăng?

Không, chẳng sai gì cả. Mình đi theo những gì mình thực sự muốn làm, muốn theo đuổi. Chẳng có gì là sai. Và nếu ước mơ thì phải dám đối mặt với khó khăn chứ! Chẳng có gì là dễ dàng, nhất là khi trong việc người-người đối xử với nhau mà.

Nhưng chỉ là không ngờ rằng đúng là người ta luôn có thể cười nói vui vẻ với mình, thực sự thì quẳng cà chua thối sau lưng mình…

Trong khi mình vẫn luôn vào những điều mình đang làm, và mình biết là mình không làm trái với lương tâm của mình, cũng chẳng làm hại họ cái gì. Chỉ là …

Có lẽ đó là vai trò của Manager chăng?

Mình biết mình vẫn luôn có thể quay về, làm lại từ đầu với “free lancer” trong khi chưa có gì nhiều trong tay, mình vẫn có thể bắt đầu kiểu khác. Nhưng mình không muốn điều đó ngay lúc này.

chỉ mới gần 3 tháng mà mình đã muốn bỏ cuộc sao? Không, mình không dễ dàng từ bỏ như vậy.

Cố lên!! Kệ người ta nói gì thì nói, cứ làm theo những gì mình thực sự tin tưởng. Để sau này, ít nhất không hối tiếc vì đã cố gắng. đúng không? 🙂

À, cái này cho một người ở xa: Không ngờ là bạn vẫn còn lưu số của mình, mình tưởng là bạn đã bỏ số của mình sau khi mình chia tay bạn ở HA. =)) Nhưng mà mình đã xóa tin của bạn rồi. Vẫn còn giận bạn về 1 số chuyện khác! =))

—-

Dù sao thì, cố lên nha nhóc!!!

Tuần này chủ nhật về nhà ở SG.

Về nhà, đúng ra là phải cảm thấy rất vui, cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy…

Nhưng mà con bé lại thấy cực kì bình thường…

Hay vì 4 tuần quá ít ỏi cho nỗi nhớ mong, để cảm thấy vui sướng khi về nhà với Bố Mẹ?

Con bé nhút nhát vẫn thỉnh thoảng nhảy ra, thật là đáng ghét…

Mình thích Đà Nẵng thật rồi. Chà… thực ra là thích một nơi tương đối tĩnh lặng, không xô bồ ồn ào như Sài Gòn, không mật ngọt hoặc om sòm làm sởn gai ốc như Hà Nội. Để dành một ít tiền, rồi mình sẽ lại đi, mong là được như vậy.

Hôm nay mở mail Yahoo ra, lâu lắm rồi không mở, “bụi mù” với một đống email rác. Có thư của anh bạn Ấn chơi với nhau hơn 10 năm qua email + chat (chưa bao giờ gặp…). Hắn ta chơi với mình từ hồi hắn chưa tốt nghiệp ĐH, còn mình thì mới bắt đầu năm 1. Thân thì không thân hẳn, chỉ trừ hồi 1-2 năm đầu, mình rất thích gửi thư tay nên cũng hay gửi thư tay cho hắn. Lúc hắn cưới vợ, tha thiết mời mình qua Ấn, bảo mình chỉ cần lo visa và vé đi  thôi, còn lại hắn sẽ lo. Hehe, chẳng biết bạn đùa hay thật, nhưng đó là một tình bạn dễ thương dù chưa bao giờ gặp nhau. À, quay lại vụ email của hắn, hắn bảo là sao lâu quá không thấy mày nói gì về bạn trai của mày. Chừng nào mày cưới? Mày cần tao kiếm phụ không, tao mong muốn thấy mày lập gia đình, ổn định.

Thực là dễ thương, dù có chút khó chịu vì cái suy nghĩ của hắn vẫn thật là cổ hủ (chắc vì thấy mình già rồi mà chẳng bao giờ kể chuyện bồ bịch gì cho hắn nghe cả). Nhưng mà tất nhiên câu trả lời của mình vẫn là “life-reason” và “personal choice”, cái gì cần tới thì cứ tới, cứ để mọi thứ tự nhiên, đôi khi tìm mòn mỏi, sục sạo tùm lum thì không thấy; đến lúc muốn thì nó sẽ xuất hiện, hay là mình sẽ tự thấy nó mà thôi.

Nhưng một điều chắc chắn, mong muốn lớn nhất hiện tại của mình (với bản thân thôi) là sẽ đi Ấn. Chắc chắn là sẽ phải đi Ấn…